Sở hữu mỏ Núi Pháo khủng, Tập đoàn Masan hiến
Tập đoàn Masan “hiến kế” phát triển công nghiệp khoáng sản
Tại hội nghị thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội sáng 21/9, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Thiều Nam đã kiến nghị những giải pháp phát triển công nghiệp khoáng sản.
Ông Nguyễn Thiều Nam phát biểu tại hội nghị (Nguồn ảnh: Dân Trí).
Trong đó, việc phát triển công nghiệp khoáng sản công nghệ cao kết nối sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo định hướng của Chính phủ là một trong những trọng tâm kiến nghị được đại diện của Tập đoàn Masan điểm rõ.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Masan chia sẻ Masan đang sở hữu và vận hành mỏ vonfram Núi Pháo và nhà máy chế biến sâu vonfram tại Thái Nguyên, có số thuế đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh Thái Nguyên.
Theo định hướng của Chính phủ mong muốn các tập đoàn khai thác khoáng sản phát triển chế biến sâu và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Nguyễn Thiều Nam nêu rõ Tập đoàn Masan đã và đang xây dựng chiến lược phát triển mỏ vonfram theo định hướng này.
Để tiếp tục nâng cao, cải tiến kỹ thuật và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đại diện Tập đoàn Masan kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai khoáng chủ động liên kết với tập đoàn khai khoáng lớn trên thế giới có sở hữu công nghệ lõi, công nghệ cao trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
Đặc biệt, Tập đoàn Masan đề xuất Chính phủ xem xét không đánh thuế xuất khẩu cho các sản phẩm chế biến sâu từ khoáng sản, rà soát lại quy trình xin giấy phép khai thác và các chính sách thuế, gỡ những nút thắt ảnh hưởng đến tiến độ khai thác và mô hình tài chính bền vững của doanh nghiệp khoáng sản.
Lãnh đạo Masan chia sẻ, Tập đoàn Masan luôn sẵn sàng hợp tác với đối tác chiến lược giàu tiềm lực và kinh nghiệm để phát huy tối đa thế mạnh, phục vụ người tiêu dùng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Kiên định với chiến lược này, vào tháng 5, Tập đoàn Masan nâng tầm hợp tác chiến lược với Mitsubishi Materials Corporation Group, thành công nhận chuyển giao công nghệ tái chế, tinh chế vonfram.
Dự án Núi Pháo của Tập đoàn Masan thua lỗ, hàng chục nghìn tỷ đồng nợ phải trả
Tập đoàn Masan (mã: MSN) là tập đoàn đa ngành hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng (gia vị, mì ăn liền, đồ uống, bột giặt…), chăn nuôi chế biến thịt, viễn thông, đến khai thác khoáng sản… Trong đó, mảng kinh doanh tiêu dùng, bán lẻ hiện là trọng tâm đầu tư và mang về doanh thu, lợi nhuận cao nhất cho tập đoàn.
Chính vì hoạt động đa ngành nên tính đến cuối năm 2023, Tập đoàn Masan có tới 79 công ty con sở hữu gián tiếp và 3 công ty con sở hữu trực tiếp. Ngoài ra, còn có 1 công ty liên kết sở hữu trực tiếp và 3 công ty liên kết sở hữu gián tiếp.
Vừa qua, lĩnh vực khai thác khoáng sản tại Tập đoàn Masan thông qua mảnh ghép Công ty Masan High-Tech Materials (viết tắt: MHT – mã ck: MSR) trở thành tâm điểm chú ý khi bán đi 100% cổ phần H.C. Starck Holding GmbH (HCS) cho Mitsubishi. Masan High-Tech Materials là công ty con do Tập đoàn Masan sở hữu 86,4% vốn.
Được biết, năm 2020, Masan High-Tech Materials đã mua lại H.C. Starck Tungsten Powder – một trong những nhà tái chế Vonfram lớn nhất châu Âu, phục vụ khách hàng trên toàn thế giới với các tổ hợp sản xuất tại châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc. Việc mua lại nền tảng kinh doanh Vonfram của H.C Starck Tungsten Powders với lịch sử hơn 100 năm hoạt động đã mang lại cho Masan High-Tech Materials các trung tâm sản xuất tiên tiến ở mỗi khu vực thị trường trọng yếu như NAFTA, EU và APAC với các cơ sở sản xuất tại Đức, Canada và Trung Quốc; một nền tảng công nghệ tái chế đẳng cấp thế giới, có thể mở rộng và nhân rộng ra mọi địa điểm cơ sở kinh doanh.
Nhà máy khai thác, chế biến khoáng sản tại mỏ đa kim Núi Pháo của Masan High-Tech Materials (Ảnh nguồn: Internet).
Ban đầu Masan High-Tech Materials có tên gọi là Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources), năm 2020 chính thức đổi tên thành CTCP Masan High-Tech Materials (mã chứng khoán: MSR).
Masan High-Tech Materials là đầu mối quản lý toàn bộ hoạt động đầu tư và khai thác dự án Núi Pháo, đồng thời trực tiếp sở hữu tất cả các công ty con phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó có việc sở hữu 100% Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo.
Theo tìm hiểu, mỏ Núi Pháo (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) do Masan High-Tech Materials khai thác và quản lý được đánh giá là mỏ Florit và Vonfram lớn nhất thế giới (ngoài Trung Quốc).
Nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú nhưng hoạt động khai thác chưa tương xứng với tiềm năng. Nhận thấy sự cần thiết của việc khai thác, bảo vệ, nâng tầm giá trị nguồn tài nguyên Vonfram quý giá của Việt Nam, năm 2010, sau khi mua lại từ doanh nghiệp nước ngoài và tái cấu trúc Dự án Núi Pháo, Tập đoàn Masan đã tái khởi động Dự án Núi Pháo. Đến năm 2014, mỏ Núi Pháo chính thức sản xuất thương mại.
Khai thác và chế biến Vonfram tại mỏ Núi Pháo được Masan High-Tech Materials đầu tư bài bản theo phương thức bền vững và nâng cao giá trị tài nguyên bằng công nghệ hiện đại.
Giai đoạn 2014-2018, kết quả kinh doanh tại MSR tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, trong năm đầu tiên, doanh thu thuần đạt MSR đạt gần 2.826 tỷ và lãi sau thuế chỉ hơn 35,6 tỷ đồng. Đến năm 2015, doanh thu thuần tăng từ 2.658 tỷ đồng lên 6.865 tỷ đồng năm 2018. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng từ 84 tỷ đồng năm 2015 lên 810 tỷ đồng năm 2018.
Tuy nhiên, từ năm 2019-2022, kết quả kinh doanh tại MSR trồi sụt liên tục, doanh thu “con voi” nhưng lợi nhuận “con kiến”.
Cụ thể, năm 2019, doanh thu thuần bất ngờ lao dốc xuống còn 4.706 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2018 và lợi nhuận sau thuế chỉ còn 352 tỷ đồng, giảm đến 57% so với năm 2018.
Đến năm 2020, doanh thu tại MSR khởi sắc trở lại, thu về 7.291 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 51,7 tỷ đồng, giảm mạnh 86% so với năm 2019 do giá vốn tăng cao.
Các năm 2021, 2022 doanh thu lần lượt đạt 13.564 tỷ đồng và 15.549 tỷ đồng. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế vẫn rất khiêm tốn khi lần lượt đạt 261 tỷ đồng và 105 tỷ đồng.
Đến năm 2023, doanh thu thuần tại MSR giảm nhẹ 9% so với năm 2022, đạt 14.093 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm mạnh, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 1.793 tỷ đồng. Vì vậy, MSR lỗ sau thuế lên tới 1.529 tỷ đồng. Đây là mức lỗ đầu tiên kể từ năm 2014.
Cập nhật số liệu mới nhất, 6 tháng đầu năm 2024, MSR lại ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ đậm.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, MSR mang về hơn 6.741 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8% so với cùng kỳ 2023. Do giá vốn chiếm đến 96%, ghi nhận hơn 6.494 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp tại MSR giảm mạnh 68% xuống còn hơn 247 tỷ đồng.
Kết quả, công ty con của Tập đoàn Masan lỗ sau thuế 1.046 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2023 chỉ lỗ sau thuế hơn 486 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản tại MSR đạt mức 39.617 tỷ đồng. Về nguồn vốn, nợ phải trả tại MSR tại thời điểm 30/6/2024 ghi nhận tăng nhẹ trong khi vốn chủ sở hữu giảm. Theo đó, nợ phải trả ở mức hơn 26.810 tỷ đồng, tăng thêm 62 tỷ đồng so với đầu năm. Còn vốn chủ sở hữu ghi nhận 12.807 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại MSR tại thời điểm 30/6/2024 ghi nhận tăng nhẹ trong khi vốn chủ sở hữu giảm. Theo đó, nợ phải trả ở mức hơn 26.810 tỷ đồng, tăng thêm 62 tỷ đồng so với đầu năm. Còn vốn chủ sở hữu ghi nhận 12.807 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm.
Ở một diễn biến có liên quan, công ty con do MSR nắm giữ 100% là Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo cũng ghi nhận khoản lỗ sau thuế 1.409 tỷ đồng năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Khoáng sản Núi Pháo tiếp tục kinh doanh bết bát khi lỗ sau thuế lên tới 1.063 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ 2023 chỉ lỗ hơn 447,7 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/6/2024, vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp ghi nhận 10.061 tỷ đồng, giảm gần 16% so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh sụt giảm, khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Khoáng sản Núi Pháo trong 6 tháng đầu năm 2024 âm 0,11%.
Lê Thanh
Theo tudonghoangaynay.vn Copy