Xây dựng Hòa Bình thoát lỗ ngoạn mục, khoản phải
Xây dựng Hòa Bình thoát lỗ ngoạn mục, khoản phải thu vượt 10.800 tỷ đồng/Ảnh minh họa
Xây dựng Hòa Bình thoát lỗ 9 tháng đầu năm 2024 nhờ vào hoàn nhập dự phòng?
Báo cáo tài chính Hợp nhất quý III/2024 tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cho thấy, doanh thu thuần đạt 975 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn nên lãi gộp của doanh nghiệp tăng 52% lên hơn 60 tỷ đồng.
Đặc biệt, doanh thu tài chính trong kỳ âm hơn 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái thu về 31 tỷ đồng. Nguyên nhân do khoản lãi tiền gửi và tiền cho vay ghi nhận âm 22,58 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức dương 3,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh là cũng liên quan đến khoản hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi là 86,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ Hòa Bình đã phải trích lập 22,5 tỷ đồng cho khoản dự phòng này. Quý III/2024, chi phí tài chính được tiết giảm 50% về mức 72 tỷ đồng, chi phí bán hàng cũng giảm nhẹ.
Với các biến động trên, Xây dựng Hoà Bình lãi sau thuế hơn 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 lỗ hơn 170 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận 4.787 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 842 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 884 tỷ đồng. Kết quả này đưa doanh nghiệp vượt xa kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cả năm, hoàn thành 194,5% chỉ trong 9 tháng.
Tuy có lãi trở lại song tính đến ngày 30/9/2024, lỗ lũy kế của Xây dựng Hòa Bình vẫn ở mức 2.424 tỷ đồng, tương đương 69,8% vốn điều lệ hiện tại là 3.472 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Hòa Bình âm gần 50 tỷ đồng 9 tháng đầu năm, cùng kỳ dương 1.125 tỷ.
Khoản phải thu vẫn là thách thức với Xây dựng Hòa Bình
Đáng chú ý, các khoản phải thu, trích lập dự phòng lớn vẫn là thách thức lớn đối với Xây dựng Hòa Bình.
Tính đến 30/9/2024, tổng tài sản tại Hòa Bình ghi nhận hơn 15.303 tỷ đồng, khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản của doanh nghiệp vẫn là các khoản phải thu ngắn hạn với hơn 10.884 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản, tăng nhẹ so với đầu năm nhưng giảm so với cuối quý II/2024. Còn khoản phải thu dài hạn hơn 376 tỷ đồng.
Trong 10.884 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn có tới hơn 6.305 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng và hơn 2.528 tỷ đồng phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng.
Phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng được ghi nhận cùng lúc với doanh thu. Khoản mục này dùng để ghi nhận phần trăm công việc mà HBC đã hoàn thành và được xác minh bởi bên tư vấn thứ ba, nhưng chưa lập hóa đơn cho khách hàng.
Còn phải thu khách hàng được chuyển từ phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng đã lập hóa đơn và chuyển đến khách hàng. Theo đó, khách hàng có nghĩa vụ phải thanh toán cho HBC và bất kỳ khoản thanh toán chậm nào sẽ bị phạt.
Với các khoản phải thu ngắn hạn, tính đến cuối quý III, Tập đoàn phải trích lập dự phòng nợ khó đòi 1.942 tỷ đồng, giảm so với con số 1.990 tỷ đồng cuối quý II nhưng không được thuyết minh chi tiết.
Đáng nói, nợ phải trả tại Xây dựng Hòa Bình tính đến 30/9/2024 hơn 13.658 tỷ đồng (chủ yếu là nợ ngắn hạn hơn 12.367 tỷ đồng), cao gấp 8,3 lần vốn chủ sở hữu (1.645 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ vay của Hòa Bình ghi nhận hơn 4.333 tỷ đồng, cao gấp 2,63 lần vốn chủ sở hữu, chiếm hơn 28% nguồn vốn doanh nghiệp.
Được biết, cuối tháng 9 vừa qua, Xây dựng Hòa Bình thông tin đã được BIDV gia hạn hạn mức tín dụng đến ngày 30/6/2025. Theo đó, BIDV đồng ý gia hạn việc cấp cho Xây dựng Hòa Bình hạn mức tín dụng thường xuyên với số tiền tối đa là 4.000 tỷ đồng, trong đó hạn mức cho vay, bảo lãnh thanh toán và mở L/C tối đa là 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Xây dựng Hoà Bình thông tin doanh nghiệp còn được cấp hạn mức từ một số ngân hàng khác như SeABank, VietinBank, VPBank… với tổng hạn mức đạt gần 5.100 tỷ. Như vậy, tổng hạn mức tín dụng hiện tại của tập đoàn lên tới gần 9.100 tỷ đồng.
Huy Tùng – Lê Thanh
Theo kinhtexaydung.petrotimes.vn Copy