Bộ Tài chính đề xuất thu thuế chống đầu cơ
Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), trong đó có nội dung về mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS).
Tại báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính cho biết, chính sách thuế TNCN hiện hành của nước ta không phân biệt theo thời gian nắm giữ BĐS của người chuyển nhượng.
Theo cơ quan quản lý, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS, một số quốc gia trên thế giới đã sử dụng các công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ BĐS trong nền kinh tế, trong đó có thuế TNCN.
Ngoài ra, một số nước còn áp dụng thuế đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch BĐS phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại. Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao, diễn ra chậm hơn thì thuế suất thấp hơn.
Như tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán. Sau 2 năm, mức thuế suất là 50%; sau 3 năm là 25%.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), giao dịch BĐS thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 45%; thực hiện trong 2-5 năm thuế suất là 35%; trong 5-10 năm thuế suất 20% và thực hiện sau 10 năm mức thuế suất là 15%.
Từ thực tế trên, nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng tại các nghị quyết, để có mức độ điều tiết hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản, Bộ Tài chính cho rằng, có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với TNCN từ chuyển nhượng BĐS theo thời gian nắm giữ như kinh nghiệm của một số nước.
Theo Bộ này, mức thuế suất cụ thể cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường BĐS.
Đồng thời, việc áp dụng chính sách thuế TNCN đối với chuyển nhượng BĐS theo thời gian nắm giữ cũng cần đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách có liên quan đến đất đai, nhà ở cũng như sự đồng bộ, mức sẵn sàng của hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký đất đai, BĐS. Qua đó, có thể tạo điều kiện cho cơ quan thuế có đủ thông tin và cơ sở pháp lý để có được các thông tin liên quan đến thời gian nắm giữ BĐS.
Trên cơ sở phân tích tác động, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công cho phù hợp với sự thay đổi về thu nhập và các chỉ số kinh tế vĩ mô trong giai đoạn gần đây và rà soát, điều chỉnh các mức thuế suất tại biểu thuế toàn phần tương ứng với các nội dung sửa đổi về thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng BĐS.
Luật Thuế TNCN hiện hành quy định, thu nhập từ chuyển nhượng BĐS, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở; thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước; các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng BĐS.
Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng BĐS được xác định là giá chuyển nhượng từng lần, thuế suất áp dụng là 2%.
Trước đó, vào tháng 9, trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình giá bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Đề xuất của Bộ Xây dựng được đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Hay như theo theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện hệ thống pháp luật chưa có chế tài kiểm soát, ngăn chặn hoạt động đầu cơ, găm đất nhằm đẩy giá. Trong khi tình trạng mua bán, sang tay không được kiểm soát là nguyên nhân chính dẫn đến “sốt đất” tại nhiều địa phương.
Theo đề xuất của VARS, chính sách thuế bất động sản cần được áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.
Bên cạnh đó, VARS cũng đề nghị, trường hợp chủ sở hữu không xây dựng dự án sau khi nhận đất cũng phải chịu thuế bỏ hoang bất động sản. Đây là chính sách đang được Hàn Quốc áp dụng. Hiện mức thuế suất đang là 5% và sẽ tăng dần theo số năm mà bất động sản bị bỏ hoang.
Ngày 23/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Trong Nghị quyết, Quốc hội đã giao Chính phủ có giải pháp căn cơ, dài hạn để đưa giá bất động sản về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích tạo “sốt” giá.
Quốc hội giao Chính phủ sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Cùng với đó kiên quyết xử lý đối với các trường hợp đất đã được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, không sử dụng, sử dụng lãng phí hoặc sử dụng sai mục đích, trái pháp luật, chủ đầu tư năng lực yếu kém, không có khả năng hoàn thành.
Theo sohuutritue.net.vn Copy