Vì sao Trung Nam Group lỗ gần 8 tỷ đồng
Liên quan đến nghĩa vụ của tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ, Trung Nam Group vừa công bố một số chỉ tiêu tài chính năm 2023 gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Báo cáo cho thấy Trung Nam Group đã ghi nhận khoản lỗ hợp nhất sau thuế lên tới 2.878 tỷ đồng trong năm 2023 (trung bình mỗi ngày, công ty lỗ khoảng 7,9 tỷ đồng).
Theo bảng công bố thông tin mới đây, Trung Nam Group ghi nhận đến cuối 2023 còn khoảng 24.290 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, giảm gần 13%. Doanh nghiệp này đang có nợ phải trả lớn gấp 2,7 lần, khoảng 65.100 tỷ đồng.
Doanh nghiệp lần đầu công bố thông tin từ năm 2021. Thời điểm đó, họ ghi nhận lợi nhuận sau thuế lên tới 2.105 tỷ đồng. Sang năm 2022, mức lãi sụt hơn 8 lần, về còn 252 tỷ đồng.
Kinh doanh khó khăn, chưa thu xếp được dòng tiền khiến họ chậm thanh toán 1.130 tỷ đồng tiền gốc và 235 tỷ đồng trả lãi trái phiếu ở một số thời điểm trong năm ngoái. Đến nay theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), công ty đã sạch nợ trái phiếu.
Tại thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Trung Nam Group đạt 24.290 tỷ đồng, giảm 3.624 tỷ đồng so với năm trước. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên mức 2,68 lần, tương đương tổng nợ phải trả hơn 65.000 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu chiếm khoảng 18.218 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 89.300 tỷ đồng.
Được biết Trung Nam Group được thành lập năm 2004, là doanh nghiệp đa ngành, hoạt động trong nhiều lĩnh vực gồm hạ tầng, năng lượng, bất động sản công nghiệp, bất động sản đô thị, bất động sản du lịch và sản xuất bo mạch điện tử. Trong đó, năng lượng là mảng chủ chốt của tập đoàn này, với nhiều nhà máy thủy điện và các dự án năng lượng tái tạo.
Trung Nam Group hiện sở hữu 9 dự án năng lượng với tổng công suất thiết kế 1.406 MW, sản lượng gần 4 tỷ kWh. Tổng mức đầu tư cho các dự án này lên đến hơn 48.200 tỷ đồng. Hai dự án tiêu biểu của tập đoàn bao gồm điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (sản lượng 1,2 tỷ kWh, tổng đầu tư 12.000 tỷ đồng) và điện gió Ea Nam (sản lượng 1,1 tỷ kWh, tổng đầu tư 16.500 tỷ đồng).
Theo VNDirect Research, Trung Nam Group hiện là nhà phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam, giữ vai trò quan trọng trong thị trường năng lượng sạch.
Trong tháng 7/2024, để thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến trái phiếu, Công ty CP Năng lượng Tái tạo Trung Nam – một công ty con của Trung Nam Group – đã chuyển nhượng 19,9 triệu cổ phần tại Công ty CP Điện Mặt Trời Trung Nam. Các bên nhận chuyển nhượng gồm Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng Lượng Tái Tạo Á Châu (Asia Renewable Energy – ARE) với 18 triệu cổ phần và ông Nguyễn Thanh Bình với 1,9 triệu cổ phần.
ARE là công ty con của Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu (ACIT), một doanh nghiệp đã sở hữu 49% cổ phần tại Điện Mặt Trời Trung Nam từ năm 2021. Với thương vụ này, ACIT có khả năng nâng tỷ lệ sở hữu lên 67%, qua đó đưa Điện Mặt Trời Trung Nam thành công ty con. Như vậy, Trung Nam Group có thể mất quyền kiểm soát tại dự án quan trọng này.
Tính đến cuối tháng 10/2021, Trung Nam Group đóng góp 1,63 GW vào hệ thống điện quốc gia, đứng đầu khối doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp này.
Nhưng một số dự án thủy điện, năng lượng tái tạo của doanh nghiệp này chưa đảm bảo pháp lý, vướng mắc hoặc vi phạm quy định, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Nổi bật nhất là dự án điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam công suất 172 MW tại Ninh Thuận, kết hợp đầu tư trạm biến áp và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Dự án này do Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam (thuộc Trung Nam Group) làm chủ đầu tư.
N.H
Theo kinhtexaydung.petrotimes.vn Copy